Không giống như một số ngành khác, ngành xây dựng có những tính chất đặc thù và chuyên môn riêng. Chính vì vậy, những lao động làm việc trong ngành xây dựng cũng có những yêu cầu và đòi hỏi chuyên môn cao, đặc biệt là kế toán xây dựng công trình. Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ gửi đến bạn các thông tin quan trọng về mô tả công việc chủ yếu cũng như các lưu ý cần thiết khi làm kế toán xây dựng công trình.
Đặc thù của ngành kế toán xây dựng công trình
Ngành xây dựng có đặc điểm là nhận thầu theo công trình, trong đó mỗi công trình lại mang những đặc điểm, yêu cầu khác nhau và thuộc nhiều loại khác nhau như công trình công cộng, nhà ở, khu công nghiệp, công trình dân dụng… Quá trình thi công của mỗi công trình đều được chia thành nhiều giai đoạn, khi trúng thầu kế toán xây dựng công trình sẽ tính toán và bóc tách các chi phí, nguyên liệu dựa vào dự toán công trình.
Thời gian thi công của các công trình không phải ngày một ngày hai mà có thể hoàn thành, vì vậy kế toán xây dựng công trình phải theo dõi và nắm bắt được rõ ràng các loại chi phí cũng như thông tin xuất hóa đơn phù hợp với từng dự toán công trình. Đồng thời, kế toán cũng cần phải nghiệm thu và xuất hóa đơn ngay khi công trình hoàn thành cho dù công trình đó khách hàng chưa hoàn thiện thanh toán.
Các công việc chính của kế toán xây dựng công trình
Công việc của những người làm kế toán xây dựng công trình khá khó khăn và phức tạp so với những ngành khác, vì vậy vị trí này đòi hỏi chuyên môn cao, nắm chắc các nghiệp vụ và đức tính cẩn thận, tỉ mỉ để hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Các công việc của kế toán xây dựng công trình chủ yếu như sau:
- Theo dõi sát sao dự toán nhằm cung ứng nguyên vật liệu kịp thời và đủ số lượng vào các công trình; đồng thời theo dõi chi phí máy thi công và chi phí chung phục vụ cho từng công trình.
- Lập và theo dõi báo cáo bảng lương của người lao động trong mỗi công trình, đảm bảo chính xác và đúng với tiến độ thi công cũng như hiệu quả làm việc.
- Lập và phân bổ chi phí cho từng công trình khi nghiệm thu
- Lập báo cáo nguyên vật liệu, thuế hàng tháng/quý/năm theo yêu cầu; lập báo cáo tài chính cuối năm và thực hiện các công việc quyết toán thuế theo đúng quy định của nhà nước.
- Đối chiếu chi phí giữa dự toán và thực tế phát sinh, giữa chứng từ đầu vào và chi phí thực tế để có kế hoạch cân đối đầu vào.
- Sắp xếp và lưu trữ chứng từ, hồ sơ cẩn thận và khoa học
- Đại diện cho doanh nghiệp đứng ra làm việc và giải quyết với các cơ quan nhà nước
Lưu ý khi làm kế toán xây dựng công trình
Ký hợp đồng ký kết xây dựng
Khi làm vị trí kế toán xây dựng công trình, bạn cần phải đọc và nghiên cứu thật kỹ các điều khoản trong hợp đồng ký kết xây dựng giữa công ty và chủ đầu tư để nắm được các vấn đề về tổng giá trị của công trình, thời gian thi công và phương thức thanh toán.
Nhận hợp đồng xây dựng và lấy hóa đơn đầu vào
Khi nhận được hợp đồng xây dựng, kế toán dựa vào phần Bảng tổng hợp vật liệu trong dự toán để đối chiếu với Bảng nhập xuất vật liệu tồn kho để kiểm tra xem vật liệu nào còn thiếu để theo dõi và liên hệ lấy hóa đơn vật tư đầu vào sao cho khớp số liệu, nếu không khi quyết toán sẽ bị loại ra khỏi mục chi phí hợp lý. Đồng thời, hóa đơn cần được lấy về trước ngày nghiệm thu công trình và giá của vật tư mua vào phải thấp hơn hoặc bằng giá trên dự toán.
Nghiệm thu và xuất hóa đơn
Khi công trình hoàn tất, bạn cần phải làm thủ tục nghiệm thu và xuất hóa đơn ngay bất kể việc khách hàng đã thanh toán hay chưa. Việc xuất hóa đơn đúng thời điểm sẽ giúp công ty bạn tránh được những rắc rối và thiệt hại không đáng có. Sau khi xuất hóa đơn, kế toán xây dựng công trình tiến hành scan hóa đơn đầu vào và gửi cho bên đối tác kê thai thuế.
Bóc tách chi phí
Việc bóc tách chi phí rất quan trọng, kế toán xây dựng cần bóc tách đầy đủ các mục để tránh thiếu sót gây thiệt hại cho công ty. Các chi phí cần bóc tách bao gồm chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí ca máy và chi phí chung bao gồm khấu hao tài sản cố định và chi phí phân bổ công cụ dụng cụ.
Phương pháp tính giá xuất kho
Các kế toán trong ngành xây dựng nên tính giá xuất kho theo phương pháp bình quân cuối kỳ. Đây có thể coi là phương pháp hợp lý và chính xác nhất bởi việc nhập kho và xuất kho trong công ty xây dựng diễn ra khá thường xuyên và lặp lại, nếu sử dụng các phương pháp khác sẽ không phù hợp.
Kế toán xây dựng công trình cần theo dõi việc trích khấu hao tài sản cũng như công cụ dụng cụ và cụ thể mỗi công trình sẽ sử dụng những loại máy gì. Đồng thời, nên lập bảng khấu hao tài sản cố định và công cụ dụng cụ để kiểm soát chặt chẽ hơn.
Trên đây là những thông tin và lưu ý quan trọng cho những người có dự định, mong muốn trở thành kế toán xây dựng công trình. Hy vọng rằng bài viết này sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn.