Hiện nay, các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đang ngày các được cải thiện và quy định cụ thể hơn. Trong quá trình thi công xây dựng chắc hẳn sẽ có những trường hợp xây dựng không phép hoặc sai phép nên bắt buộc bị xử lý vi phạm hành chính. Vậy cụ thể ai là người có quyền xử lý các trường hợp này và quá trình xử lý tiến hành như thế nào? Mời các bạn tham khảo thêm ở các nội dung sau đây
Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng
Dựa theo cơ sở pháp lý là “Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý, công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở”, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng được quy định cụ thể như sau:
- Thanh tra viên xây dựng
Thanh tra viên xây dựng có quyền xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000 đồng. Bên cạnh đó, họ có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại Nghị định này.
- Thẩm quyền của các trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở xây dựng có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo Nghị định này.
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ xây dựng có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề và áp dụng các biện pháp khắc phục.
- Chánh thanh tra Sở xây dựng
Chánh thanh tra sở được quyền áp dụng các biện pháp phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000.000 đồng, tước chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và yêu cầu khắc phục các hậu quả theo quy định tại khoản 3, điều 3 Nghị định này
- Chánh thanh tra Bộ xây dựng
Chánh thanh tra bộ xây dựng có thẩm quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền, tước giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực và yêu cầu bên vi phạm khắc phục hậu quả. Cụ thể, chánh Thanh tra Bộ xây dựng có thẩm quyền phạt tiền 1.000.000.000 đồng đới với lĩnh vực đầu tư xây dựng và đến 300.000 đồng đối với các hoạt động quản lý công trình kỹ thuật, kinh doanh vật liệu xây dựng…
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 10.000.000 đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo các điều khoản quy định cụ thể ở Nghị định này.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Huyện có thẩm quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000.000 đồng. Bên cạnh đó được phép tước giấy phép hoạt động, các chứng chỉ có liên quan như chứng chỉ năng lực và chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra còn có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo các điều khoản tại Nghị định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh có thẩm quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng, tước giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ có hoạt động kinh doanh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh còn có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo điều 3, khoản 3, Nghị định này.
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng
Thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng được thực hiện tuần tự qua các bước sau đây.
Bước 1: Lập biên bản vi phạm hành chính
Những người có thẩm quyền được nêu ra ở trên đây, khi phát hiện khi phát hiện các hành vi xây dựng trái với quy định của pháp luật như không có phép hoặc sai phép thì lập biên bản vi phạm hành chính. Cụ thể:
- Đối với trường hợp mới vi phạm chưa kết thúc thì sử dụng mẫu 01 ban hành theo Thông tư 03/2018/TT-BXD.
- Đối với trường hợp đã kết thúc quá trình thi công trái quy định thì lập biên bản vi phạm hành chính theo mẫu 01 của Nghị định 97/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP
Bước 2: Ban hành quyết định xử phạt hành chính
Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, nếu người lập biên bản có thẩm quyền xử phạt thì tiến hành theo quy định. Trong trường hợp người lập biên bản không có thẩm quyền thì cần phải chuyển biên bản tới người có thẩm quyền xử phạt để ban hành quyết định.
Thời gian ban hành quyết định xử phạt hành chính được tiến hành trong vòng 30 ngày kể từ ngày lập biên bản xử phạt hành chính.
Bước 3: Thi hành xử phạt hành chính
Trong vòng 2 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt hành chính thì người có thẩm quyền ra quyết định cần phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và các cơ quan khác có liên quan.
Cơ quan và cá nhân được giao nhiệm vụ thi hành quyết định xử phạt cần phải thường xuyên giám sát, đôn đốc việc thực hiện nộp phạt, các biện pháp khắc phục và các biện pháp xử phạt khác theo quyết định.
Bước 4: Tổ chức cưỡng chế
Sau khi ban hành quyết định cưỡng chế thu tiền phạt, tháo dỡ công trình cần phải gửi ngay cho các cá nhân, tổ chức vi phạm và các bên có liên quan. Nếu trong thời hạn tự nguyện thi hành không thực hiện đủ thì cần phải có các biện pháp tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các công trình.
Trước khi tổ chức cưỡng chế thì người có thẩm quyền cần phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ để tránh có những sai phạm về tiến trình, thủ tục và giấy tờ.
Kết luận
Trên đây là những người có thẩm quyền và trình tự thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Tất cả các nội dung có liên quan đến vấn đề này đều được quy định cụ thể tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý, công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Các bạn có thể tham khảo thêm chi tiết trong Nghị định này.